Khi sử dụng thực phẩm có dùng phẩm màùu nên chọn thực phẩm biết rõ nguồn gốc, đã đăng ký chất lượng với cơ quan y tế. Đối với một số thực phẩm khó nhuộm màu, không ít cơ sở sử dụng phẩm màu dùng trong công nghiệp nên nguy cơ gây ngộ độc, gây bệnh càng tăng.

Tại hội thảo Phẩm màu trong thực phẩm do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP.HCM) tổ chức vào sáng 15-3, thạc sĩ Huỳnh Văn Tú, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, nhận định: “Phẩm màu sử dụng trong chế biến thực phẩm nhằm mục đích gây chú ý cho người sử dụng bởi tính hấp dẫn, bắt mắt, ngon miệng… Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện, không đúng hàm lượng thì phẩm màu sẽ là tác nhân có nguy cơ gây ra nhiều loại bệnh”.

Khó phân biệt phẩm màu trong thực phẩm

Theo ông Tú, phẩm màu sử dụng trong thực phẩm có hai dạng: tự nhiên và tổng hợp. Phẩm màu tự nhiên được điều chế từ cây, hoa, củ, hạt, động vật… Mặc dù không độc hại nhưng phẩm màu tự nhiên không được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm bởi khó hòa tan trong nước, dễ phai màu. Phẩm màu tổng hợp là các hợp chất được tạo thành thông qua phản ứng hóa học. “Do màu sắc đẹp, bền, dễ hòa tan trong nước, giá lại rẻ nên phẩm màu tổng hợp được sử dụng rất nhiều trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, phẩm màu tổng hợp chỉ an toàn trong một giới hạn sử dụng” - ông Tú lưu ý.

Đồng quan điểm với ông Tú, tiến sĩ Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết thêm để phân biệt màu đã cho vào thực phẩm thuộc dạng tự nhiên hay tổng hợp là điều rất khó, phải sử dụng phương pháp phân tích hóa học mới có thể xác định. “Người tiêu dùng chỉ có thể nhận biết phẩm màu được sử dụng thông qua các thông tin in trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, một số thực phẩm như heo quay, vịt quayy, bánh truyền thống… do không có bao bì nên không thể nhận biết phẩm màu đã sử dụng” - ông Đồng nói rõ.

Heo quay, vịt quay không thể nhận biết sử dụng phẩm màu gì. Ảnh: HTD

Nguy cơ gây bệnh từ phẩm màu tổng hợp

Ông Đồng còn cho biết ở các nước, phẩm màu tổng hợp chỉ được phép sử dụng khi được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra và xác nhận. Riêng tại Việt Nam có 15 chất màu tổng hợp được Bộ Y tế cho phép sử dụng. “Tuy nhiên, nếu sử dụng không phù hợp, vượt quá hàm lượng… thì phẩm màu tổng hợp có khả năng sinh ung thư, độc tính trên gen, độc tính thần kinh…” - ông Đồng nhắc nhở.

Ông Tú giải thích thêm: “Từ những năm 1970, một nhà nghiên cứ về dị ứng đã quan sát và thấy màu nhuộm sử dụng trong thực phẩm có thể gây ra chứng hiếu động thái quá và thay đổi hành vi ở trẻ em, kể cả người trưởng thành”.

Liên quan đến một số nguy cơ do 15 chất màu tổng hợp được phép sử dụng có thể gây ra bởi sử dụng tùy tiện, ông Tú cho biết chất Brilliant Blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xi rô, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng ở người. Chất Erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) có khả năng gây ung thư tuyến giáp. Chất Allura Red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người. “Đặc biệt chất Tartrazine được sử dụng trong chế biến thực phẩm trẻ em thường dùng như ngũ cốc, mứt, thực phẩm ăn nhanh, mì gói, súp, bột nước giải khát, kẹo bánh) có thể gây phản ứng dị ứng quá mức” - ông Tú nhấn mạnh.

Theo Sở Y tế TP.HCM, kết quả xét nghiệm 23 mẫu hạt dưa, tương ớt, ớt bột, ớt khô, bột hạt điều, bột cà ri… được mua ở các chợ, siêu thị trên địa bàn TP.HCM từ ngày 20-12-2010 đến 6-1-2011 cho thấy có ba mẫu hạt dưa và ớt bột có chứa Rhodamine B (phẩm màu công nghiệp gây bệnh ung thư). Mẫu hạt dưa lấy tại chợ Tân Định (quận 1) chứa Rhodamine B với hàm lượng lên tới 14,5 mg/kg. Hai mẫu ớt bột được lấy từ chợ Tân Định và chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) có hàm lượng Rhodamine B 0,3-3 mg/kg.

15 phẩm màu tổng hợp được Bộ Y tế cho phép sử dụng: Tartrazine, Quinolin Yellow, Sunset Yellow FCF, Azorubine (Carmoisine), Amaranth, Ponceau 4R, Erythrosin, Red 2G, Allura Red AC, Brillant Blue FCF, Green S, Fast Green FCF, Brilliant Black PN, Brown HT, Beta-Carotene (Synthetic).

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các phẩm màu nói trên đều có bán ở chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM). Tuy nhiên, đa số người bán không nắm được nguy hại khi sử dụng phẩm màu tổng hợp một cách tùy tiện, quá liều.

TRẦN NGỌC