Giải "nỗi oan" thực phẩm với bệnh đái dầm ở trẻ

Có rất ít bằng chứng để chứng minh việc một số loại thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây nên chứng đái dầm ở trẻ em.

15.5921
>>  

Nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ rằng việc uống nước sau 6 giờ chiều, dùng nước cam hay thức ăn nhiều gia vị… là nguyên nhân gây ra bệnh đái dầm của trẻ. Tuy nhiên, đôi khi những thay đổi không cần thiết trong chế độ ăn uống có thể là “thủ phạm vô hình” với bệnh này.
 
Có rất ít bằng chứng để chứng minh việc một số loại thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây nên chứng đái dầm ở trẻ em. Chính vì vậy bạn đừng nên đánh đồng tất cả làm một, như thế vừa mất đi thực phẩm có lợi cho sự phát triển của trẻ vừa tăng thêm nỗi lo cho chính bạn. Cùng tìm hiểu xem bạn đang “nghi oan” cho loại thực phẩm nào nhé.

“Giải oan”

Thực tế là không có nghiên cứu nào khẳng định các loại thức ăn sau đây có nguy cơ làm tăng khả năng đái dầm ở trẻ em.

Thức ăn nhiều gia vị: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không có bằng chứng nào cho thấy các món ăn có nhiều gia vị lại khiến trẻ đái dầm. Quan hệ này có lẽ bắt nguồn từ một sự thật là những thức ăn có nhiều gia vị được xem là có khả năng kích thích bọng đái với một số người và các bác sĩ khuyên những người bị bệnh đi tiểu không kiểm soát nên kiêng những món có quá nhiều gia vị. Tuy nhiên, điều đó không có mối liên quan nào giữa việc tiêu thụ những món ăn có nhiều gia vị với căn bệnh “tè dầm”.


Trái cây họ cam, quýt: Cũng giống như các gia vị, loại trái cây như cam, quýt, chanh, bưởi... được cho là có khả năng kích thích bọng đái do hàm lượng chất chua có trong chúng. Điều này làm cho bạn phải băn khoăn mỗi khi trẻ đòi uống nước chanh hay nước cam mà chúng yêu thích. Nhưng, các kết quả nghiên cứu y khoa không thể chứng minh được sự liên quan giữa việc ăn các loại trái cây này với chứng bệnh đái dầm của trẻ, ngoại trừ một số trường hợp dị ứng với thức ăn đối với một số trẻ đã bị bệnh đái dầm.

Dị ứng thức ăn: Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn chưa khẳng định được liệu việc dị ứng thức ăn có liên quan đến việc đái dầm ở một số trẻ em hay không, vẫn có những bằng chứng rất hạn chế về vấn đề này. Trong một vài trường hợp, việc hạn chế những thực phẩm gây dị ứng lại góp phần làm thuyên giảm bệnh đái dầm.

Hiểu đúng, hiểu đủ

Một số thói quen sau đây mới đúng là “thủ phạm” cần ngăn cản để bé không còn đái dầm nữa:

Caffeine: Dù ở đồ uống hay đồ ăn, caffeine đều hoạt động như một chất lợi tiểu. Điều này cũng có nghĩa nó kích thích bàng quang sản xuất nhiều nước tiểu hơn. Chính vì vậy, để tránh bị đái dầm, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không dùng chất caffeine vào lúc chiều tối.
 
Cũng cần phải lưu ý thêm nếu con bạn không uống cà phê không có nghĩa là các thức uống khác không chứa caffeine. Trà, chocolate, nước tăng lực đều chứa caffeine. Đồng thời chất này còn có trong món chocolate nóng và một số loại bánh kem chocolate.

Hạn chế uống nước trước khi ngủ: Đây là một suy nghĩ phổ biến bởi vì điều này giúp trì hoãn sự đầy nước ở bàng quang và cho trẻ thêm thời gian cần thiết để kịp thời thức dậy trước khi tè ra giường. Đồng thời bạn cũng phải lưu ý: uống nước không phải là cách duy nhất để trẻ cung cấp nước cho cơ thể. Một số loại thức ăn như súp, sữa chua và nhiều loại trái cây, rau xanh cũng chứa nhiều nước.

Cơ thể mỗi người hoàn toàn không giống nhau, do vậy cần tìm hiểu để xác định được loại thực phẩm nào là nguyên nhân khiến con bạn đái dầm. Các chuyên gia khuyên rằng cần có sự ghi chép về diễn biến của chứng bệnh này, từ đó mới có cơ sở để nhận diện nguyên nhân của bệnh. Một số trẻ khá thích thú trong việc tự theo dõi xem loại thực phẩm hay hành động nào giúp mình khô ráo suốt đêm.

Việc để trẻ tự tìm hiểu nguyên nhân của chứng đái dầm sẽ có lợi cho bé vì giúp trẻ có cơ hội tự điều khiển chứng bệnh của mình và đề ra phương án hạn chế. Nếu trẻ phát hiện được loại thực phẩm mà chúng cho là nguyên nhân gây bệnh hoặc có thể ngăn ngừa, việc ăn và tránh ăn loại thực phẩm đó cũng có tác dụng tốt, cho dù trên thực tế đó chỉ là ảnh hưởng tâm lý chứ không có tác dụng chữa bệnh.

Nếu quyết định cho trẻ không ăn một số loại thực phẩm nhằm chữa trị chứng bệnh đái dầm, bạn cần đảm bảo rằng những thay đổi trong chế độ ăn uống không phải là một hình phạt đối với trẻ. Vì vậy quan trọng nhất là bạn phải để trẻ hiểu được bạn đang cố gắng giúp con, chứ không phải là kết quả của sự trừng phạt.

Nguyên nhân gây bệnh đái dầm ở trẻ

Rối loạn bàng quang: Đây là nguyên nhân quan trọng gây nên căn bệnh tè dầm. Hiện tượng của căn bệnh này chính là bàng quang tự thải nước tiểu ra ngoài mà không cần có dấu hiệu đầy nước, tức là trẻ không cảm thấy muốn đi tè mà lại tè. Nói cách khác, ngay khi nước tiểu lên đến một mức nhất định nào đó, trẻ có nhu cầu đi tiểu quá khẩn cấp và không thể làm chủ được mình, do đó đã tè dầm.

Rối loạn tâm lý: Khi trẻ có những vấn đề tâm lý như quá phiền muộn về kết quả học tập, bị bố mẹ bỏ rơi, các em cũng có thể mắc các căn bệnh này. Triệu trứng này là do hormon lợi niệu tiết vào ban đêm rất yếu nên không thể hạn chế việc sản xuất ra nước tiểu, do đó bàng quang nhanh chóng đầy nước. Kết quả là nước tiểu được đẩy ra ngoài không theo ý muốn của người bệnh.

Ngoài những nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm kể trên, bệnh này thường làm trẻ xấu hổ và tự ti, do đó một số trẻ còn có biểu hiện buồn phiền và mất ngủ khi mắc bệnh. Những biểu hiện tâm lý này ảnh hưởng rất xấu đến quá trình hình thành và phát triển tính cách trẻ.

Một số lưu ý về chứng đái dầm ở trẻ nhỏ: Trước 5 tuổi, hành vi tiểu tiện khi ngủ của trẻ là biểu hiện sinh lý. Khi trẻ 3 tuổi, bước vào giai đoạn khô ráo, đa số sẽ hết đái dầm trong giai đoạn này. Từ 3-5 tuổi, hành vi đái dầm có thể chấp nhận được vì trẻ có thể chưa phát triển hoàn thiện về thần kinh, phản xạ chưa đủ thiết lập. Nhưng khi trẻ 5 tuổi mà vẫn đái dầm thì hãy đưa con bạn đi khám bác sĩ.

AloBacsi.vn (Theo Món ngon Viet Nam)

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]