Sự cố hạt nhân và sức khỏe con người

Để hiểu rõ và thống nhất về mức độ các sự cố và tai nạn hạt nhân, người ta đã đưa ra thang phân loại các sự kiện hạt nhân quốc tế, để từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định các biện pháp phòng chống các sự cố hạt nhân ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

0

Con người chúng ta vẫn thường bị chiếu xạ từ nhiều nguồn khác nhau như: các nguồn bức xạ tự nhiên từ trái đất (các chất phóng xạ có trong tự nhiên, trong đất đá...) từ bên ngoài trái đất (bức xạ vũ trụ hay các tia vũ trụ...). Chúng ta cũng bị chiếu xạ bởi các bức xạ nhân tạo như: tia X, bức xạ dùng trong chẩn đoán, điều trị. Bụi từ các vụ nổ hạt nhân và lượng nhỏ các chất phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân và điện than thải vào môi trường. Ngoài ra các sự cố, tai nạn hạt nhân (nổ lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân...) cũng là nguồn bức xạ rất lớn ảnh hưởng tới con người.

Các mức độ phóng xạ

Mức O: Sự khác biệt chút ít.

Không đáng kể về an toàn. Lỗi không vượt quá các giới hạn và điều kiện vận hành.

Mức 1: Bất thường.

Vượt quá chế độ vận hành được phép, lỗi do thiết bị, con người hay quy trình, xảy ra ở khu vực vận hành, vận chuyển… Hệ thống bảo vệ ít bị ảnh hưởng.

Mức 2:  Sự cố.

 Nhiễm xạ lan truyền đáng kể/Công nhân bị nhiễm xạ quá liều.

Mức 3:  Sự cố nghiêm trọng.

Nhiễm xạ  lan truyền nặng/ảnh hưởng nặng  đến sức khỏe người công nhân.

Mức 4: Tai nạn không gây hậu quả đáng kể ra ngoài.

Vùng hoạt lò phản ứng/các lớp bảo vệ phóng xạ bị hư hại đáng kể/công nhân bị nhiễm xạ nguy kịch có thể nguy hiểm đến tính mạng/hoặc dân chúng bị nhiễm xạ ở mức giới hạn quy định.

Mức 5:  Tai nạn gây hậu quả ra ngoài cơ sở.

Vùng hoạt lò phản ứng/các lớp bảo vệ phóng xạ bị hư hại nghiêm trọng/hoặc thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức hạn chế: cần thực hiện một phần  các biện pháp khắc phục dự kiến.

Mức 6: Tai nạn nghiêm trọng.

Thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức đáng kể: cần thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục đã dự kiến.

Mức 7:  Tai nạn rất nghiêm trọng.

Thoát phóng xạ nhiều: ảnh hưởng sức khỏe và môi trường ở phạm vi rộng.

Bình thường bức xạ có ở khắp mọi nơi, một lượng phóng xạ luôn tồn tại là điều bình thường và không thể tránh khỏi. Các liều bức xạ cao đủ gây ra rủi ro nghiêm trọng lập tức đến sức khoẻ chỉ có ở chiến tranh hạt nhân, nổ lò phản ứng hạt nhân, tai nạn nổ nhà máy điện hạt nhân... Khi bị chiếu xạ toàn bộ cơ thể có thể gây ra các mức ảnh hưởng đến sức khoẻ ở các mức khác nhau.

Phun nước làm nguội lò phản ứng số 4 ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Bình thường, giá trị bức xạ phông tự nhiên ở hầu hết mọi nơi là khoảng 0,1 đến 0,2 microSievert/giờ (micro Sv/h). Nếu mức phóng xạ này tăng lên 1 micro Sv/h tức là: mức phóng xạ bên ngoài đã chắc chắn tăng lên và tình hình đã không còn bình thường, việc kiểm soát bức xạ trong vùng cần được tăng cường. Nếu ở mức 10 micro Sv/h: là mức phóng xạ tăng nghiêm trọng. Ở mức 100 micro Sv/h: là cảnh báo! Một tình hình và tình huống bức xạ có thể xảy ra. Nhà chức trách cần cảnh báo cho dân chúng. Cụ thể, công chúng nên được thông báo về giá trị bức xạ. Nếu ở mức 1000 micro Sv/h: thì phải cấp báo! Các biện pháp cần tiến hành tức thời để bảo vệ dân chúng. Ưu tiên trước hết là mọi người nên ở trong nhà.

Khi xảy ra sự cố phóng xạ ảnh hưởng đến con người thế nào?

Một sự cố hạt nhân lớn có thể dẫn đến việc thoát khí và hạt nhân phóng xạ dễ bay hơi từ nhiên liệu vào trong hệ thống làm nguội của lò phản ứng hạt nhân. Trường hợp vỏ lò bị hư hỏng có thể có phát thải vào không trung và chất phóng xạ bị gió cuốn hòa lẫn vào không khí. Một số hạt nhân phóng xạ có thể rơi xuống mặt đất theo mưa gió rồi thâm nhập dần vào nguồn nước, động, thực vật (thực phẩm)…. Một sự cố hạt nhân lớn có thể làm ô nhiễm nặng khu vực quanh lò phản ứng và khu vực xung quanh. Vì vậy dân chúng có thể phải chịu liều phóng xạ rất cao do hậu quả của sự cố hạt nhân xảy ra trong vùng hay ở nơi khác. Tùy theo liều bức xạ cao hay thấp và cách thức bị chiếu xạ (nhiễm xạ ngoài hay nhiễm xạ trong) mà có các tổn thương cấp tính hay mãn tính, bệnh nhân có thể tử vong  nhanh nếu bị chiếu xạ với liều lớn, toàn thân... Bệnh phóng xạ có thể sinh ra do bị chiếu ngoài hoặc nhiễm vào trong cơ thể các chất phóng xạ hoặc do cả hai. Người ta chia bệnh phóng xạ thành bệnh phóng xạ cấp tính và bệnh phóng xạ mạn tính và từ đó có các phác đồ điều trị thích hợp.

Khi xảy ra các sự cố, tai nạn hạt nhân thì các chất phóng xạ thoát ra môi trường gồm nhiều loại do các sản phẩm phân hạch phóng xạ, nhưng trong đó có hai chất có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe là iốt phóng xạ (I-131) và Cs-137. Đặc biệt người ta nhấn mạnh tới nguy cơ bị ung thư, trong đó đặc biệt là ung thư tuyến giáp do iốt phóng xạ. Bởi vì khi có sự cố hạt nhân thì khí iốt phóng xạ sẽ thoát ra ngoài và hòa vào môi trường, làm nhiễm xạ bầu không khí, sau đó thành bụi lắng có chứa phóng xạ và con người chúng ta hít phải không khí có chứa iốt phóng xạ này sẽ có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vì vậy có thể sử dụng viên iốt để phòng tránh nguy cơ bị ung thư tuyến giáp.  Sở dĩ như vậy là vì tuyến giáp người bình thường có thể hấp thu iốt qua nhiều đường khác nhau nh từ thức ăn, nước uống, không khí... Khi iốt vào cơ thể, ví dụ qua đường hô hấp, nó sẽ vào dòng tuần hoàn sau đó tập trung chủ yếu tại tuyến giáp và tồn tại ở đó vài ngày đến vài tuần.

Nếu iốt phóng xạ (I-131...) vào được tuyến giáp thì tia phóng xạ của I-131 (tia gamma, đặc biệt tia beta) sẽ có thể làm tổn hại tuyến giáp hoặc gây ung thư tuyến giáp.

Do tuyến giáp không phân biệt được iốt thường (không phóng xạ) hay là iốt phóng xạ (I-131...) và tuyến giáp chỉ có thể hấp thụ một lượng hạn chế iốt, nên nếu ta chủ động đưa trước iốt thường với một liều lượng thích hợp (qua đường uống chẳng hạn) thì iốt này sẽ tập trung chủ yếu tại tuyến giáp mà sẽ không vào hoặc vào rất ít các cơ quan khác trong cơ thể.  Điều đó sẽ làm tuyến giáp được bão hòa iốt nên giảm, hoặc ngừng không hấp thu iốt trong một khoảng thời gian nhất định. Cho nên nếu sau đó có iốt phóng xạ xâm nhập vào cơ thể thì nó sẽ không còn cơ hội tập trung tại tuyến giáp. Lượng iốt phóng xạ này sẽ được cơ thể đào thải nhanh qua con đường tự nhiên (nước tiểu...), nên chúng ta có thể tránh được nguy cơ ung thư tuyến giáp một cách chủ động.

Nếu xảy ra sự cố hạt nhân, cơ quan thẩm quyền về bức xạ có thể khuyến cáo dân chúng trong vùng được nhanh chóng uống viên iốt ngay sau khi xảy ra sự cố hạt nhân.       

 PGS.TS. Mai Trọng Khoa
(PGĐ BV Bạch Mai - GĐ TTYH hạt nhân và Ung bướu)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]