Thực hành cho trẻ ăn dặm và cai sữa

15.6144

Cho trẻ ăn dặm

Có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng tuổi, trong khi vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ. Ăn dặm nên được hiểu là quá trình giúp trẻ chuyển dần từ việc bú sữa sang dùng thức ăn. Trước khi được 6 tháng tuổi, sữa là nguồn cung cấp toàn bộ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Từ sau 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển đủ để tiêu hóa được những thức ăn phức tạp hơn và sẽ có những dấu hiệu cho thấy trẻ đã có thể sẵn sàng cho việc ăn dặm, chẳng hạn như trẻ vẫn tỏ ra còn đói sau khi đã bú xong, hoặc đòi bú nhiều lần hơn.

Quá trình chuyển đổi từ việc cho trẻ bú sữa sang ăn thức ăn đặc hoàn toàn cần phải thực hiện dần dần. Một số trẻ chấp nhận thức ăn đặc ngay tức thì, trong khi một số trẻ khác cần thời gian lâu hơn để làm quen. Không có những quy tắc nhất định để tuân theo trong việc này, chẳng hạn như nên bắt đầu vào lúc nào, nên kéo dài bao lâu hoặc nên cho ăn những thức ăn gì. Điều quan trọng hơn hết là một thái độ tích cực và linh hoạt.

Trong vài tuần lễ đầu tiên, chỉ cần giúp trẻ làm quen với dạng thức ăn và việc ăn bằng muỗng. Lượng thức ăn rất ít, xem như không cần thiết cung cấp dinh dưỡng.

Nên chọn thời điểm bắt đầu thật thoải mái. Buổi trưa có thể là thời điểm tốt nhất để cho bé ăn bữa ăn đầu tiên, vì trẻ có thể dễ chấp nhận hơn là vào buổi sáng – khi trẻ quá đói, hoặc buổi chiều – khi trẻ có thể mệt mỏi. Cho trẻ bú một nửa lượng sữa như bình thường, sau đó vẫn bế trẻ trong lòng và cho ăn một vài muỗng thức ăn. Sau đó cho trẻ tiếp tục bú.

Bột gạo, bột ngũ cốc hay rau cải xay, trái cây xay – nhưng tránh các trái cây họ cam quýt – là những thức ăn khởi đầu tốt nhất, bởi vì ít có khả năng gây ra phản ứng. Nếu trẻ không chấp nhận thức ăn, hoặc bị tiêu chảy, nôn mửa, hoặc nổi ban đỏ, hãy tránh dùng thức ăn đó trong vài tuần. Các thức ăn có đạm nên được xay nghiền chung với rau cải vào lúc trẻ có thể ăn được một lượng thức ăn đáng kể. Nên cố gắng sử dụng thức ăn tự làm lấy ở nhà, chọn những món ăn tươi sống. Tránh đừng cho muối vào thức ăn của trẻ. Những thức ăn có đường như các loại bánh ngọt nên hạn chế để tránh béo phì và chứng sâu răng về sau. Thay đổi các món ăn sao cho thật đa dạng, nhiều mùi vị, để trẻ có thể nếm thử qua được nhiều loại thức ăn khác nhau.

Khi trẻ được 9 – 12 tháng tuổi, nên cho trẻ ăn thành 3 bữa đều đặn vào những giờ nhất định, tốt nhất là theo với những bữa ăn của gia đình. Kể từ giai đoạn này, nên cho trẻ “bú dặm” thay vì là “ăn dặm”, nghĩa là chỉ cho trẻ bú bổ sung sau khi đã cho ăn. Chú ý cho trẻ uống nhiều nước hơn, nước trái cây pha loãng là tốt nhất. Tránh những loại thức ăn quá nhiều chất xơ (fibre) vì thường có khối lượng lớn nhưng cung cấp ít dinh dưỡng và năng lượng, không hợp với trẻ. Cần bổ sung thường xuyên các loại vitamin như A, D và C. Nếu trẻ đã biết dùng kem đánh răng có flour, việc bổ sung flour có thể là không cần thiết.

Cai sữa

Cai sữa nghĩa là ngừng không cho trẻ bú nữa, hay nói khác đi là chuyển hẳn từ chế độ ăn dặm kèm theo bú sữa sang chế độ ăn toàn thức ăn đặc.

Thường thì việc cai sữa là không cần thiết nếu như chế độ ăn dặm trước đó được thực hiện tốt. Trẻ sẽ ngừng bú vào lúc thích hợp, khi các bữa ăn trong ngày cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng và cả sự ngon miệng. Và trong mối tương quan tự nhiên, khi trẻ ít bú dần thì sữa mẹ cũng sẽ ít dần, nên việc ngừng bú sẽ không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà người mẹ cần ngừng việc cho bú sớm hơn, nên thực hiện theo nguyên tắc giảm dần, tránh sự thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe của trẻ.

Ngay cả khi đã ngừng việc cho trẻ bú mẹ, cũng vẫn nên duy trì việc cho trẻ bú hoặc uống một lượng sữa bột nhất định trong ngày, thường là sau các bữa ăn hoặc vào buổi

tối trước khi đi ngủ, để đảm bảo bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]