Làm sao để con tôi hết đái dầm?

Con tôi năm nay hơn 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1 nhưng cháu vẫn hay đái dầm buổi tối, thi thoảng cả buổi trưa. Tôi phải làm thế nào.

15.6056
>>

 
Chào bạn,

Bé nhà bạn đã 5 tuổi mà vẫn thường xuyên đái dầm như vậy, bạn cần xem xét các nguyên nhân cụ thể. Đái dầm của trẻ có thể do:

- Yếu tố di truyền: Gia đình bố mẹ không có tiền sử đái dầm lúc nhỏ sẽ có trẻ bị đái dầm với tỷ lệ 15%, nếu chỉ có bố hoặc mẹ bị - tỷ lệ con bị là 44%, nếu cả bố và mẹ đều bị đái dầm - tỷ lệ con bị là 77%.

- Rối loạn giấc ngủ: Khó thức tỉnh từ giấc ngủ sâu khi bàng quang căng đầy nước tiểu.

- Chậm phát triển hệ thần kinh trung ương làm giảm khả năng kiểm soát nín tiểu của bàng quang khi trẻ ngủ.

- Yếu tố nội tiết: Không đủ hormon bài niệu ADH (hormon này có tác dụng làm giảm số lượng bài tiết nước tiểu từ thận).

- Nhiễm trùng tiết niệu.

- Dị dạng đường tiết niệu: Bất thường van niệu quản ở trẻ trai hoặc bất thường niệu đạo ở trẻ gái. Bàng quang nhỏ hơn bình thường làm giảm khả năng giữ được nước tiểu lâu trong bàng quang.

- Bất thường cột sống.

- Yếu tố tâm lý: Một số trẻ đái dầm do có lo âu sau sang chấn tâm lý ở nhà hoặc ở trường.

- Do gia đình ít luyện tập cho trẻ đi tiểu trước khi ngủ.

Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân chính.

Ngoài việc giúp bé ổn định tâm lý, bạn có thể hạn chế đái dầm ở trẻ bằng cách:
 
- Hạn chế uống nước vào buổi tối. Không cho trẻ uống bất cứ loại nước gì 2 tiếng trước khi đi ngủ.

- Trước khi đi ngủ, nên cho bé đi vệ sinh.

- Giải thích cho trẻ biết là cần phải thức dậy đi vệ sinh vào đêm khi thấy có nhu cầu. Thay vì chỉ tập trung quan tâm làm sao cho bé không đái dầm, bố mẹ hãy giúp con hiểu tầm quan trọng của việc dậy đi vệ sinh hàng đêm.

- Đảm bảo trẻ đi vệ sinh ban đêm được dễ dàng, nên đặt đèn chiếu sáng ở nhà vệ sinh. Nếu trẻ sợ bóng tối, bạn có thể đặt bô trong phòng.

- Trao phần thưởng cho trẻ nếu con không đái dầm. Bạn hãy lập một chiếc bảng nhỏ và để trẻ tự đánh dấu những ngày bé giữ được giường khô, nếu bé đạt được một số ngày nhất định, bạn hãy nhớ tặng bé một món quà khuyến khích.

- Xem xét việc sử dụng bỉm vào ban đêm. Nhiều người tin rằng, bạn không nên dùng bỉm cho con ở nhà vì điều đó sẽ khiến bé ỉ lại, lười dậy vào bạn đêm và lười sử dụng nhà vệ sinh.

- Cho trẻ tự theo dõi đái dầm bằng vẽ tranh: vẽ đám mây mưa khi bị đái dầm, vẽ mặt trời khi không bị đái dầm.

- Yêu cầu trẻ tự dọn vệ sinh, thay ga giường, chiếu khi bị đái dầm.

- Tập luyện bàng quang: hướng dẫn trẻ chủ động nín giữ nước tiểu lâu hơn trong bàng quang, tập đái ngắt quãng.

Ngoài ra, một số món ăn dưới đây cũng giúp chữa đái dầm cho bé rất hiệu quả:

- Cháo nhân sâm: Gạo tẻ 100g, rang cho nở, sau dùng lửa nhỏ hầm nhừ. Lấy 10g nhân sâm thái lát mỏng cho vào hầm tiếp là được. Mỗi ngày cho ăn 1 lần, nên sử dụng thường xuyên.

- Cháo mễ nhân, bong bóng cá: Bong bóng cá 30g, mễ nhân 30g, hành gừng, xì dầu vừa đủ. Cho bong bóng cá và mễ nhân nấu thành cháo, trước khi bắc xuống cho bột gừng, xì dầu, dầu vừng, đun sôi là được. Cho ăn ngày 1 lần, cần ăn 10-15 ngày.

- Đậu đen hầm thịt chó: Thịt chó 150g, đậu đen 20g, hai thứ trên cho vào nồi đun lửa to cho sôi, hớt bọt cho sạch, hạ lửa riu riu để đến nhừ, cho muối hoặc đường vào chia ra cho trẻ ăn hết trong ngày. 15 ngày là một liệu trình.

- Cháo cật dê: Bạch quả 10-15 g, cật dê 1 quả, thịt dê 50 g, gạo nếp 50 g, hành 1 củ nhỏ. Gạo nếp và bạch quả vo sạch, nấu với 3/4 lít nước cho đến khi cháo rền. Chẻ dọc quả cật, lột sạch tuyến mỡ tanh, cắt nhỏ. Hành tím và thịt dê bằm nhỏ. Cháo nhừ, cho hành tím, cật dê, thịt dê vào nấu vừa chín, nêm muối cho vừa miệng. Ăn vào buổi sáng và buổi chiều.

- Nhục quế hầm gan gà: Bột nhục quế 3g, gan gà trống 2 bộ. Cho gan gà vào trong bát có nắp đậy, sau đó rắc bột nhục quế lên gan gà và đậy nắp bát lại cho vào nồi đun cách thủy cho đến khi chín là được. Cho trẻ ăn hết. Cần ăn 10-15 ngày.

Chúc bạn thành công trong việc trị đái dầm cho bé.

AloBacsi.vn (Theo Đẹp online)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]