Nguyên nhân trẻ khóc đêm và cách dỗ bé

Nguyên nhân trẻ khóc đêm có thể là do bé tè dầm, khó chịu vì mọc răng, do nhiệt độ phòng... tìm ra nguyên nhân trẻ khóc bạn sẽ tìm ra cách dỗ bé để bé ngủ ngon hơn.

15.6019

Nguyên nhân trẻ khóc đêm

Trẻ khóc đêm có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, và ứng với mỗi nguyên nhân thì sẽ có một cách khắc phục riêng. Dưới đây là 10 nguyên nhân cơ bản khiến trẻ khóc đêm:

- Do tè dầm

Khi chăm sóc trẻ sơ sinhtrẻ nhỏ, mẹ sẽ không ít lần tỉnh giấc vì bé yêu tè dấm và khóc thét lên. Điều này, là do nước tiểu khiến bé ngứa ngáy, khó chịu và khóc chính là cách để bé thông báo với mẹ. Lúc này, mẹ chỉ cần thay tã cho bé, và nhẹ nhàng vỗ về bé, thì bé sẽ thôi khóc và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

- Khó chịu khi mọc răng

Nguyên nhân trẻ khóc đêm có thể vì khó chịu khi mọc răng

Khi bé mọc răng thì thường sốt nhẹ và có cảm giác đau ở nướu, nên khiến bé khó chịu và quấy khóc vào ban đêm. Trong trường hợp này, mẹ nên dùng một ít đá lạnh chườm lên má của bé, để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy hơi vất vả, nhưng cách này sẽ giúp bé yêu ngủ ngon và sâu hơn. Khi răng bé đã nhú hoàn toàn ra bên ngoài, thì tình trạng này sẽ tự nhiên “biến mất” nên mẹ không cần quá lo lắng.

- Bé bị nghẹt mũi

Thời tiết hanh khô sẽ rất dễ khiến bé bị nghẹt mũi, nên chuyển sang hít thở bằng miệng. Việc này sẽ khiến cổ họng bé bị khô dẫn đến ho khan gây khó chịu nên quấy khóc. Để hạn chế tình trạng này, khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nghẹt mũi, mẹ nên thường xuyên rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Điều này, sẽ giúp làm sạch và giữ ẩm cho khoang mũi nên bé sẽ thở dễ dàng và ngủ ngon giấc hơn.

- Do nhiệt độ phòng

Quá lạnh hoặc quá nóng cũng có thể khiến bé khó chịu, ngủ không ngon giấc và quấy khóc. Vì vậy, mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho thích hợp nhất. Và nhiệt độ thích hơp với bé, là nhiệt độ mà mẹ cảm thấy dễ chịu và đủ ấm. Tuy nhiên, khi đi ngủ mẹ nhớ đắp thêm chăn hoặc cho bé mặc thêm quần áo dài tay, để bảo vệ hệ miễn dịch còn “mỏng manh” của bé.

-  Do những tác nhân gây dị ứng

Một số tác nhân như phấn rôm, mùi thuốc lá, mùi sơn, mùi nước hoa… có thể khiến mũi bé khó chịu và ngứa ngáy. Nếu điều này xảy ra vào ban đêm, thì bé thường quấy khóc và giật mình. Nếu vì lý do này, thì mẹ nên vệ sinh nơi ngủ của bé sạch sẽ, thông thoáng và hạn chế sự “có mặt” của các yếu tố trên thì tình trạng khóc đêm của bé sẽ nhanh chóng được khắc phục

-  Do tiếng ồn

Tiếng ồn hoặc âm thanh lớn sẽ khiến bé dễ bị giật mình, cảm thấy bất an và “quấy khóc” để “cầu cứu” mẹ. Nên để giúp con yêu say giấc, mẹ nên lựa chọn chỗ ngủ cho bé thật yên tỉnh và thông thoáng. Mách nhỏ với mẹ là, mẹ nên mở một bài nhạc nhẹ nhàng với âm lượng vừa phải khi bé ngủ, để giúp bé thư giản tinh thần và ngủ ngon hơn.

-  Tiêu hóa không tốt

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu mẹ thấy bé khóc vào ban đêm mà bụng phình to hay đánh rắm thì rất có thể là do bé bị đầy bụng, ăn không tiêu. Trường hợp này, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cho bé sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Chỉ cần tình trạng này được cải thiện, thì hiện tượng khóc đêm của bé cũng sẽ được “chấm hết”.

-  Rời mẹ đột ngột

Mẹ hay người giữ bé thường xuyên tiếp xúc với bé nhất (ông bà, bảo mẫu…) đột ngột xa nhà khiến bé bé cảm giác bất an, lo lắng nên khóc đêm. Trong trường hợp này, mẹ (hoặc người thân) nên vỗ về, an ũi bé một cách nhẹ nhàng để bé được cảm thấy “an toàn” và nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới.

- Những biến đổi theo tâm trạng của người lớn

Các bé nhỏ thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của người lớn. Nên khi mẹ tức giận, lo sợ, buồn bã thì bé cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tâm trạng của bé.

Và điều này, khiến bé luôn bất an, lo lắng kể cả khi ngủ. Khi chìm vào giấc ngủ, có thể bé liên tưởng tới những cảm xúc đó nên “lo sợ”, giật mình và quấy khóc.  Bí quyết để mẹ khắc phục tình trạng này, là hãy chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong tâm trạng tươi vui, ân cần, yêu thương để bé luôn cảm thấy “an toàn” và ấm áp kể cả khi ngủ.

- Hoạt động quá mức

Hệ thần kinh của các bé nhỏ chưa phát triển hoàn thiện nên khả năng ức chế còn kém. Nên nếu ban ngày mà bé hoạt động quá sức, thì ban đêm não bộ của bé vẫn còn duy trì trạng thái hưng phấn khiến bé đột nhiên la khóc khi đang ngủ.

Hoạt động quá mức cũng là nguyên nhân khiến trẻ khóc đêm

Vì vậy, mẹ nhớ là không nên cho bé hoạt động quá mức vào ban ngày, để giấc ngủ vào ban đêm của bé được sâu và ngon hơn nhé!

Ngoài những nguyên nhân trên, thì cũng có một số bệnh lý khiến bé thường xuyên quấy khóc về đêm. Nếu bé hay khóc đêm mà mẹ không tìm được lý do thì tốt nhất là mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ, để bác sĩ thăm khám cho bé để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả nhất.

Cách dỗ trẻ khóc đêm

Đối với trẻ nhỏ giấc ngủ rất quan trọng vì đó còn là thời gian giúp bộ não phát triển và nuôi dưỡng cơ thể.Theo tạp chí “AERA with BABY”, một trong những tạp chí hàng đầu về chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi của Nhật, dưới đây là các bước giúp trẻ hạn chế khóc đêm và ngủ ngon hơn.

- Bước đầu tiên giúp bé có giấc ngủ ngon đó là hãy điều chỉnh nhiệt độ cơ thể cho bé trước khi ngủ. Khi nhiệt độ cơ thể giảm 1 độ C thì cơ thể sẽ cảm thấy buồn ngủ vì thế tốt nhất hãy tắm cho bé trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, hoặc là sau bữa ăn dặm, sau khi bú nếu không phải trời lạnh thì mẹ có thể dùng quạt tay quạt nhẹ cho bé để dụ bé vào giấc ngủ. Cha mẹ hãy dựa vào hoàn cảnh và điều kiện thời tiết để áp dụng phương pháp này.

- Bước thứ hai là điều chỉnh ánh sáng. Sau khi sinh được 5 ngày trẻ sơ sinh đã có thể phân biệt được ngày và đêm. Dưới ảnh hưởng ánh sáng mặt trời thì tự khắc đồng hồ sinh học trong cơ thể bé sẽ hoạt động. Chính vì thế dưới môi trường ánh sáng mà cha mẹ điều chỉnh bé sẽ bắt đầu hình thành nhịp sinh hoạt có quy tắc.

Nếu cha mẹ tạo thói quen mở rèm lúc 6-7 giờ sáng để bé quen ánh nắng buổi sớm, cho bé đi dạo lúc 8-9 giờ để bé tắm nắng (tùy theo mùa có thể điều chỉnh thời gian này), giấc ngủ trưa hãy để ánh sáng ban ngày và tiếng ồn thay vì kéo rèm để bé không bị nhầm với buổi tối, còn buổi tối khoảng 8 giờ để phòng ngủ giảm ánh sáng và ru bé ngủ. Nếu như ngay từ khi bé mới sinh ra đã được luyện thói quen phân biệt được ngày đêm qua sự điều chỉnh về ánh sáng như này thì tự khắc đồng hồ sinh học của bé sẽ hoạt động theo đúng quy tắc.

- Bước thứ ba là hãy giữ thói quen sinh hoạt có quy tắc và bắt đầu càng sớm cho bé càng tốt. Nếu bạn đã đề ra mục tiêu sinh hoạt có quy tắc cho bé (với bé đã hơn 1 tuổi trở đi) như là 7 giờ sáng dậy, 8 giờ tối đi ngủ, ngủ trưa tầm 1 -1 tiếng rưỡi, giờ nào là giờ ăn, giờ nào chơi thì hãy quyết tâm thực hiện.

Đặc biệt hãy sắp xếp thời gian để bé và mẹ cùng trải qua những hoạt động thiết thực như đi dạo ngoài trời vào buổi sớm (9-10 giờ), chơi cùng nhau, để bé chơi với các bạn cùng lứa, buổi chiều là thư giãn ở nhà hoặc dẫn trẻ đi dạo...và tránh tình trạng để bé ngủ gà gật vào những thời gian không phải là giấc ngủ. Nếu bạn dụ trẻ bằng cách coi ti vi hoặc trên máy vi tính thì mỗi ngày không nên để quá 30 phút. Ngoài ra cả cha và mẹ hãy tạo thời gian trò chuyện và chơi nhiều với bé vì đó là khoảng thời gian khiến trẻ cảm thấy an toàn và có tâm lí ổn định vì cảm nhận được tình yêu của cha mẹ.

- Để giúp bé đi vào giấc ngủ đêm tốt đôi khi bạn cũng cần những bí quyết gọi là nghi thức dụ trẻ ngủ ví dụ như lấy truyện đọc cho bé, cho bé nhìn ông trăng hay ánh sao trên trời như là những ám thị để bé hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ rồi.

Tìm ra nguyên nhân trẻ khóc sẽ có cách dỗ bé phù hợp

- Khi trẻ khóc dù là đêm hay ban ngày, trước tiên cha mẹ đừng quá sốt sắng khi nghe tiếng con khóc. Ở giai đoạn trẻ sơ sinh, khóc còn là một vận động giúp trẻ rèn luyện hô hấp nữa. Khi trẻ mới sinh ra kỹ năng hô hấp vẫn chưa hoàn thiện như người lớn nên khóc là một vận động làm tăng cường các cơ giúp trẻ hô hấp, đồng thời còn giúp cho phổi được mở rộng.

Ngoài ra việc khi trẻ khóc sẽ cử động đập tay đập chân còn là vận động giúp trẻ tăng nhiệt độ cơ thể, và tự bản thân điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình nữa đấy (vì giai đoạn sơ sinh này nhiệt độ cơ thể của trẻ vẫn chưa ổn định). Hầu hết ở giai đoạn này các bà mẹ khi nghe con khóc thì việc đầu tiên là bế con lên ôm ấp và cho con bú. Nhưng các mẹ lại không ngờ chính việc ôm trẻ có thể sẽ trở thành rào cản vô tình cản trở việc trẻ luyện tập cho cơ thể mình phát triển, đôi khi còn khiến trẻ mệt mỏi hơn. Đồng thời việc khi trẻ khóc là bế và cho bú luôn cũng có thể là một nguyên nhân khiến trẻ hình thành thói quen “hư” là phải bế hoặc phải cho bú mới ngủ...

- Hầu hết khi trẻ mới sinh ra cha mẹ chưa thể phân biệt được nhu cầu của trẻ qua tiếng khóc mà cần phải trải qua một chút thời gian.

Các bác sĩ khuyên rằng ban đầu bạn hãy vỗ nhẹ vào lưng con, hỏi han, xem bỉm cho con, rồi sau đó một vài phút nếu con không nín thì hãy làm các cách khác như bế và cho con bú. Nếu đã bế và cho trẻ bú mà trẻ vẫn không nín thì có thể xem con mặc tã có bị nóng quá, lạnh quá hay bị côn trùng cắn hay không.

Để trẻ chờ đợi vài phút cũng là một cách giúp trẻ hiểu rằng không phải trẻ đòi hỏi là sẽ được đáp ứng ngay, trẻ cần phải chờ đợi để thông qua đó dạy cho trẻ tính kiên nhẫn. Ở giai đoạn từ 3 tháng trở đi có nhiều mẹ sẽ không cho trẻ bú đêm dù trẻ khóc mà chỉ vỗ nhẹ vào lưng để tránh thói quen cho trẻ bú đêm nhiều lần, và bản thân cũng có giấc ngủ dài hơn.

- Ngoài ra, bạn hãy xem mình đã cho trẻ bú lượng sữa thích hợp mỗi ngày chưa? Nếu như trẻ được vận động nhiều mà vẫn khóc thì có thể do lượng sữa bạn cho bú và cho uống là nguyên nhân. Hãy coi lại lượng sữa cho bú và cho uống nhiều hay ít.

- Nếu như trẻ có khóc nhiều quá và ngủ quá giờ ngủ trưa mà mình quy định khoảng 30 phút thì cũng không nhất thiết phải đánh thức trẻ dậy. Khi trẻ khóc mệt quá mà ngủ thiếp đi thì hãy vỗ nhẹ vào lưng trẻ để ru trẻ.

Hảo Min (tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]