Làm sao để có giấc ngủ say nồng?

Ngủ không ngon giấc có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Sau đây là một số dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp và biện pháp khắc phục.

15.5776
Trằn trọc khó ngủ

- Nguyên do: Có thể do chúng ta cảm thấy quá nóng nực. Khoa học đã chứng minh cơ thể con người hoạt động theo đồng hồ sinh học, thân nhiệt tăng ban ngày và giảm khi đêm xuống.

Khoảng 3 giờ sáng là thời điểm ngủ sâu nhất nhưng nếu có điều gì đó khiến cơ thể khó hạ nhiệt, giấc ngủ sẽ bị gián đoạn. Phụ nữ có xu hướng thao thức vào chu kỳ kinh nguyệt và lúc mãn kinh do nhiệt độ cơ thể tăng.

- Biện pháp khắc phục: Nên duy trì nhiệt độ giường ở mức 29oC. Khi trời lạnh, có thể dùng chai nước nóng để làm ấm giường, nhưng không nên làm cho nó quá nóng.

Thức giấc quá sớm

- Nguyên do: Những thay đổi trong môi trường sống, stress hoặc tuổi tác. Nhìn từ học thuyết tiến hóa, bạn chỉ có thể ngủ ngon nếu cảm thấy an toàn và yên tâm. Vì vậy bất cứ điều gì phá vỡ cảm giác này sẽ làm xáo trộn giấc ngủ. Chúng ta ngủ theo chu kỳ và tỉnh giấc rất ngắn vào cuối mỗi chu kỳ, nhưng chúng ta thường chỉ ngờ ngợ về điều này.

Tuy nhiên, nếu bận tâm việc gì đó hay môi trường sống thay đổi, cơ thể dễ dàng thức giấc vào thời điểm đó. Thức giấc sớm cũng là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh trầm cảm. Ngoài ra, càng có tuổi, chúng ta càng dễ thức giấc.

- Biện pháp khắc phục: Tạo cho mình cảm giác thoải mái trong ngày, tránh các đồ uống lợi tiểu. Không ăn quá khuya để cơ thể khỏi làm nhiệm vụ tiêu hóa muộn.

Mộng du và nói mớ

- Nguyên do: Rượu, thuốc điều trị, di truyền hoặc lo nghĩ việc gì đó. Nghiên cứu cho thấy mọi người đều có nguy cơ bị mộng du hoặc nói mớ. Phần não chi phối ý thức có thể ngủ sâu nhưng các phần não khác, như vùng điều khiển cử động và di chuyển, vẫn thức.

Dạng rối loạn này có thể mang tính di truyền, nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ ai nếu giấc ngủ của họ bị chập chờn. Trẻ cũng hay nói mớ hoặc bị mộng du do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh.

- Biện pháp khắc phục: Nói mớ vô hại nhưng mộng du có thể gây nguy hiểm cho bản thân “đương sự” và những người khác. Hãy xác định tác nhân gây rối loạn giấc ngủ, tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc đang dùng nếu có, và khả năng di truyền từ gia đình.

Theo Thanh Niên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]